Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Thành ủy ban hành mới đây nêu rõ, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thủ đô tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả. Vốn đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội, nhất là hình thức đối tác công tư (PPP).
Để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ, cao tốc, vành đai (đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5), hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch. "Phấn đấu hoàn thành Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng Vành đai 5 trước năm 2030", Thành ủy Hà Nội nêu.
Thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, Đuống, tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch công trình hiện đại hai bên bờ sông; mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu xây thêm một sân bay quốc tế gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics hiện đại. Đồng thời, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng một số bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch và vận tải hàng hóa bằng đường thủy.
Với hệ thống giao thông công cộng, Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 khởi công một tuyến và đưa vào vận hành 2-3 tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2030 hoàn thành 50% hệ thống đường sắt đô thị (theo quy hoạch đến năm 2030 Hà Nội có 10 tuyến). Thành phố phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị chiếm 12-15% diện tích đất đô thị, năm 2030 đạt khoảng 15-20%...
Bảy tuyến đường vành đai được thành phố quy hoạch với tổng chiều dài 285 km, mới hoàn thành hơn 132 km. Trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt năm 2014, Vành đai 5 dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài 48 km, qua Hòa Bình hơn 35 km; qua Hà Nam hơn 35 km; qua Thái Bình hơn 28 km; qua Hải Dương gần 53 km; qua Bắc Giang hơn 51 km; qua Thái Nguyên gần 29 km, qua Vĩnh Phúc hơn 51 km.
Đường quy mô 4-6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu 22-33 m và có đường gom hai bên. Nhu cầu vốn đầu tư Vành đai 5 - vùng Thủ đô khoảng 85.560 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).
Nghị quyết số 15 ngày 5/5 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu:
Đến năm 2030, Thủ đô là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Võ Hải